Bánh bao là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân Việt Nam. Món ăn đơn giản nhưng hương vị lại vô cùng thơm ngon và dễ ăn. Thông thường, mọi người hay có thói quen mua bánh bao tại các cửa hàng, quán ăn sáng hay siêu thị. Tuy nhiên, giờ đây bạn hoàn toàn có thể tự làm bánh bao tại nhà với các nguyên liệu cực kỳ dễ kiếm.
Dưới đây, Vua Nệm sẽ giới thiệu cho bạn một số cách làm bánh bao bằng bột mì và bột nở với các công thức bất bại mà bạn có thể tham khảo ngay.
1. Tìm hiểu các loại bột làm bánh bao
Để làm bánh bao, bạn có thể sử dụng các gói bột làm bánh bao pha sẵn ở siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra, chỉ với bột mì đa dụng và bột nở là bạn cũng có thể làm ra được những chiếc bánh bao chuẩn vị ngoài hàng rồi. Trước tiên, bạn cần hiểu rõ các loại bột để làm bánh bao và đặc điểm của nó.
1.1. Bột mì đa dụng
Bột mì đa dụng hay còn gọi là bột mì số 11, thường được làm từ lúa mì với hàm lượng protein cao, từ 10-12%. Bột mì đa dụng là loại bột khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam khi nó là một nguyên liệu rất quan trọng trong nhiều món ăn, đặc biệt là các món bánh. Tùy vào từng loại bánh mà khối lượng bột sử dụng sẽ khác nhau, hoặc pha trộn thêm nhiều loại bột khác.
1.2. Bột nở
Bột nở hay còn gọi là baking powder, là một chất tạo nở trong các loại bánh. Về thành phần thì bột nở được tạo thành từ baking soda (muối nở) và một lượng acid nhất định để có thể tương tác với baking soda, cộng thêm một chút tinh bột. Vì trong thành phần có chứa acid nên bột nở có thể được sử dụng linh hoạt hơn trong nhiều công thức nấu ăn so với baking soda.
Bột nở thường được sử dụng để làm các loại bánh như bánh bông lan, bánh muffin, bánh bao, bánh bò,…
Điểm khác biệt cơ bản của bột nở và men nở đó là bột nở có thể trộn trực tiếp với muối còn men nở khi gặp muối sẽ khiến các loại vi sinh vật có trong men bị chết và hoạt động yếu đi. Từ đó bánh sẽ không được nở như mong muốn.
Các loại bột nở có thể sử dụng ngay khi làm bánh còn men nở thì bạn sẽ phải kích hoạt với nước ấm sau đó mới sử dụng được. Các loại bánh mì, bánh bao thì dùng men nở sẽ ngon hơn vì men sẽ làm thớ bánh được dai mềm. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn tốn quá nhiều thời gian và công sức thì hoàn toàn có thể sử dụng bột nở trong bánh bao.
1.3. Shortening
Ngoài bột mì và bột nở thì trong bánh bao cũng cần một loại nguyên liệu cực kỳ quan trọng đó là shortening. Đây là một loại chất béo, tồn tại ở thể rắn và được làm từ dầu thực vật như đậu tương, dầu hạt cải,…pha trộn cùng với một chút mỡ heo. Nhiều người vẫn thường gọi shortening là mỡ cừu hoặc mỡ trừu.
Loại chất béo này sẽ giúp cho vỏ bánh được mềm và xốp hơn. Đồng thời giúp tăng vị ngọt và gia tăng thời gian bảo quản cho bánh. Với shortening, bạn có thể tìm mua tại chợ hoặc các cửa hàng làm bánh. Nếu không mua được thì hoàn toàn có thể thay thế bằng dầu ăn mà không làm mất kết cấu của bánh.
2. Cách làm bánh bao bằng bột mì và bột nở
Vua Nệm sẽ giới thiệu cho bạn hai công thức làm bánh bao từ bột mì và bột nở đơn giản với món bánh bao nhân thịt truyền thống và bánh bao chay nhân đậu xanh.
2.1. Cách làm bánh bao nhân thịt
2.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu để làm bánh bao cho 3-4 người ăn, bao gồm:
- 400g bột mì
- 60g bột ngô
- 10g men
- 10g bột nở
- 45g đường trắng
- 350g thịt lợn xay
- Một ít giấm
- 2 lít sữa
- Có thể chuẩn bị thêm nấm mèo, hành, trứng cút, miến tùy theo sở thích của gia đình bạn
- Gia vị: muối, tiêu
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ như nồi hấp, tô sạch, rây lọc bột, giấy nến, các dụng cụ khác,…
2.1.2. Cách chế biến
- Sơ chế nguyên liệu
Trước khi bắt đầu làm bánh bao, các nguyên liệu chuẩn bị trước cần được sơ chế cẩn thận. Với nấm mèo, miến cần ngâm trong nước nóng để được mềm ra, sau đó băm thật nhỏ. Luộc trứng cút và lột vỏ. Phần giấy nến cắt thành từng miếng vuông với kích thước phù hợp để lót đế bánh bao khi hấp để tránh dính vào nồi.
- Làm vỏ bánh
Tô sử dụng để nhồi vỏ bánh bao cần được rửa sạch và lau thật khô từ trước đó. Bạn dùng rây lọc phần bột mì, bột nở và bột ngô vào tô. Thêm một chút đường, muối và trong tô hỗn hợp bột.
Tiến hành kích hoạt men nở. Sử dụng sữa không đường, đun ấm ở nhiệt độ vừa phải để đảm bảo không làm chết men. Bước này sẽ giúp bánh có độ nở tốt hơn. Cho men nở cùng 1 thìa cà phê đường vào sữa ấm để khoảng 10-15 phút.
Cho phần sữa ấm có chứa men vào hỗn hợp bột trước đó, trộn thật đều. Sử dụng tay đã rửa sạch và nhào bột thật kỹ để hỗn hợp bột được mịn và không bị lợn cợn nữa. Bột được nhào càng mịn thì vỏ bánh nở càng đẹp và càng ngon.
Cuối cùng, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô, ủ bột trong khoảng 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng cho phần bột được nở hết cỡ.
- Làm nhân bánh
Với phần nhân bánh, tùy theo sở thích của bạn mà có thể biến hóa đa dạng phần nhân để làm tăng thêm hương vị. Đối với những nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên và đã được sơ chế, bạn có tiến hành chế biến phần nhân bằng cách trộn tất cả các nguyên liệu gồm thịt lợn xay, nấm mèo, miến, hành với nhau và nêm nếm thêm gia vị.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thịt gà, thịt bò với các loại rau củ khác để làm nhân thì đều cho ra các hương vị đặc biệt khác nhau.
- Tạo hình bánh
Sau khi bột nở hoàn toàn, bạn cần lấy bột ra và chia thành nhiều phần phù hợp với kích thước bánh mà bạn mong muốn. Dùng cây cán bột để cán mỏng từng miếng bột. Không nên cán quá mỏng vì khi nặn bánh hay hấp sẽ dễ làm vỏ bánh bị rách. Cũng không nên làm vỏ bánh quá dày vì ăn sẽ không được ngon.
Lấy một phần nhân đã được trộn cho vào vỏ bánh đã cán mỏng, thêm vào đó 1 đến 2 quả trứng cút tùy theo khẩu vị rồi tiến hành cuộn thật khéo lại để bánh không bị rách hay hở nhân ra ngoài.
Để làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho bánh, bạn cũng có thể nặn thành nhiều hình thù khác nhau từ hình hoa hay hình động vật. Tiếp tục lót phần giấy nến đã cắt dưới bánh và đặt vào một nơi khô ráo, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và ủ tiếp khoảng 30 phút để bánh nở tiếp.
- Hấp bánh
Xếp bánh vào nồi hấp với khoảng cách vừa đủ để bánh khi hấp sẽ nở ra. Tránh để bánh quá sát nhau vì khi hấp sẽ làm vỏ bánh bị dính vào nhau. Cách xếp này đồng thời cũng giúp bánh nhanh hơn và lấy ra dễ dàng hơn.
Bạn cũng có thể cho một chút giấm vào phần nước hấp bánh để khi hấp xong vỏ bánh sẽ có màu trắng đẹp mắt. Phủ một lớp khăn mỏng lên bề mặt bánh khi hấp sẽ giúp nước ngưng tụ trên nắp nồi không bị rơi vào vỏ bánh làm xấu và hư bánh.
Lưu ý nên sử dụng một chiếc khăn khô để lau phần nước ngưng tụ trên nắp nồi để đảm bảo chất lượng cho những chiếc bánh được tốt hơn. Bánh cần được hấp trong khoảng 20-30 phút tùy vào kích thước bánh. Để kiểm tra xem bánh chín chưa, bạn có thể dùng tăm xuyên qua vỏ bánh. Nếu tăm không ướt có nghĩa là bánh đã chín.
Lúc này, những chiếc bánh bao nóng nổi đã được ra lò. Mời bạn bè và gia đình thưởng thức thôi nào.
2.2. Cách làm bánh bao chay nhân đậu xanh
Ngoài bánh bao chay nhân thịt, bạn cũng có thể làm bánh bao chay nhân đậu xanh để ăn thay đổi và thưởng thức vào những ngày rằm.
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Với bánh bao chay nhân đậu xanh, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:
- 400g bột mì
- 150g đậu xanh
- 8g men nở
- 5g bột nở
- 10g muối
- 15g bơ thực vật
- 150ml sữa tươi không đường hoặc nước lọc
- Giấy nến, màng bọc thực phẩm
2.2.2. Cách chế biến
- Làm vỏ bánh
Hòa tan đường với men nở và 100ml sữa ấm, để nguyên khoảng 10 phút để kích hoạt men. Rây kỹ bột mì, bột nở vào tô, thêm vào đó bơ thực vật cùng 1 thìa cà phê đường và ½ thìa cà phê muối, trộn đều.
Khi men đã kích hoạt xong, đổ nước chứa men vào tô, dùng tay sạch nhào bột thật kĩ đến khi hỗn hợp bột mềm, mịn, không bị lợn cợn và có độ đàn hồi tốt. Dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín tô và đem ủ trong khoảng 1 tiếng cho bột nở đều.
- Làm nhân đậu xanh
Đậu xanh mua về đem đi rửa sạch, ngâm trong nước tầm 2-3 tiếng cho đậu nở mềm. Sau đó cho đậu vào nồi luộc hoặc hấp chín. Khi đậu đã chín, đem đậu khi giã hoặc xay nhuyễn rồi vo thành những phần nhỏ.
- Tạo hình bánh
Bột sau khi ủ đủ thời gian đem ra chia thành những phần nhỏ bằng nhau, cán mỏng rồi thêm viên nhân đậu xanh vào, sau đó túm bột lại cho đẹp mắt. Đặt bánh lên phần giấy nến đã chuẩn bị.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc phần bánh lại và ủ tiếp trong khoảng 15 phút cho bột nở tiếp.
- Hấp bánh
Sau 15 phút, đặt bánh vào nồi hấp, đợi nồi nước sôi thì cho xửng hấp vào và hấp trong khoảng 10 phút cho bánh chín.
3. Một số mẹo khi làm bánh bao bằng bột mì và bột nở
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn có thể làm ra được những chiếc bánh bao từ bột mì và bột nở thành công hơn.
- Khi nhào bột, nếu bột có mùi chua hoặc khó chịu thì có thể là do bạn ủ quá lâu hoặc sử dụng quá nhiều men nở. Còn nếu bột bị nhão là do bạn cho quá nhiều nước. Để khắc phục được hai tình trạng này, bạn cần cho thêm vào hỗn hợp bột một ít bột nữa và nhồi lại thật kĩ.
- Không nên hấp bánh quá lâu vì sẽ khiến vỏ bánh bị chuyển sang màu vàng
- Khi hấp bánh không được mở nắp nồi ra nhiều lần vì sẽ khiến nước ngưng tụ rơi vào vỏ bánh, làm vỏ bánh bị xẹp, không nở được đều.
Ngoài ra, để bảo quản bánh bao, bạn cần để bánh thật nguội và dùng màng bọc thực phẩm bọc từng chiếc bánh lại và cho vào túi zip, có thể hút chân không và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, bạn chỉ cần cho vào lò vi sóng và quay trong vòng 1 phút hoặc cho vào nồi hấp để làm nóng bánh lại.
4. Kết luận
Với các cách làm bánh bao bằng bột mì và bột nở ở trên, chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã có ngay cho mình và gia đình những mẻ bánh thơm ngon, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rồi.