Thế giới bánh ngọt là niềm yêu thích của các bạn nhỏ, người trẻ. Chúng vừa có vị ngon “gây nghiện”, vừa mang một vẻ ngoài “xinh lung linh” khiến các tín đồ “sống ảo” cũng như những “thánh ăn uống” khó mà cưỡng lại
Thay vì phải ra tiệm ăn, tại sao chúng ta không tự mua nguyên vật liệu và sáng tạo ngay trong chính căn bếp nhà mình? Điều đó có thể giúp cho bạn cảm thấy vui vẻ, ý nghĩa và thích thú hơn nhiều đấy!
Ngày hôm nay, meohaycuocsong sẽ giới thiệu cho các bạn một số công thức làm bánh Âu. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn tạo ra được những chiếc bánh xinh xắn dành tặng người thân yêu!
Như ở bài trước, chúng mình đã bật mí công thức tạo ra những chiếc bánh Tiramisu, Biscotti chuẩn vị Ý. Vậy ngày hôm nay sẽ là món bánh nào được “trình làng” đây? Hãy cùng đón đọc bài viết này nhé. Hi vọng sau vài phần của “Học cách làm một số món bánh Châu Âu”, các bạn sẽ thu thập kha khá kiến thức về bánh trái cho mình.
I. Bánh opera (Pháp):
Đi du lịch Ý đủ rồi, chúng ta tạm bay qua Pháp để cùng tìm hiểu một số món bánh nhé. Nhắc đến bánh ngọt thì Pháp và Ý đúng là hai “ông vua” rồi. Chả trách chúng tớ cứ đưa các bạn vòng quanh hai nước này như vậy
Món bánh này gồm nhiều lớp kem và socola đan xen, có độ mềm và thơm ngọt rất tuyệt vời.
1/ Chuẩn bị nguyên liệu: – Cốt bánh gato hình vuông loại cơ bản, có kích cỡ 20 x 20, xẻ thành 3 lớp. – 200 ml si-rô cà phê – 120 g sô cô la (50 – 70% cacao) (Bạn đun chảy bằng cách đun cách thủy hay sử dụng lò vi sóng) – 120 g whipping cream – 250 g bơ cắt nhỏ. Hãy nhớ để nhiệt độ phòng. – 120 g đường (tùy thuộc vào khẩu vị mà bạn có thể gia giảm đường tùy ý nhé) – 180 ml sữa tươi không đường.
2/ Cách thực hiện: Bước 1: Làm kem mocha – Để có được hỗn hợp đường và bơ có độ bông, bạn cho đường vào bát và bật máy đánh trứng ở tốc độ trung bình. Cho bơ từng cục từ từ vào. Vừa cho vừa sử dụng máy đánh trứng.
– Sau đó, bạn chuyển máy đánh trứng qua tốc độ cao. Cho từ từ sữa vào hỗn hợp bơ đường, nhớ vừa cho vừa đánh.
– Lưu ý, cả nhà nhớ đừng đổ một lượt hết 180 ml sữa mà hãy đổ từ từ. Khi ta thu được hỗn hợp mịn, trắng thì là được. Vậy là xong phần kem bơ!
– Hòa tan 2 thìa café đen với một chút nước nóng.
– Dùng máy đánh trứng đánh café với kem bơ cho đều.
Bước 2: Làm granache
– Dùng máy đánh trứng đánh Whipping cream với socola đun chảy giúp ta có được phần kem mịn, mượt
Bước 3: Ráp bánh
– Trước tiên, bạn cho lớp bạt bánh thứ nhất xuống đáy khuôn để rời. Rồi quét một lớp siro lên. Chú ý quét vừa đủ tránh tình trạng quét ít thì bánh khô mà nếu lỡ tay bỏ nhiều quá thì bánh sẽ bị ướt.
– Phủ một lớp kem mocha lên
– Sau khi hoàn tất lớp bánh đầu tiên, bạn cứ thế làm tương tự với lớp bánh thứ 2. Lúc này, cả nhà phủ 1/3 số socola ganache lên mặt bánh nha!
– Tiếp tục với lớp bánh thứ 3. Lúc này bạn vẫn quét si-ro lên mặt bánh nhưng không phủ socola nữa, mà là phủ kem mocha (giống như lớp đầu tiên vậy). Nhớ trét cho kem dàn đều, dính vào mặt bánh.
– Sau khi có ba lớp bánh như ý, bạn để bánh vào tủ lạnh cho đông lại rồi phủ nốt lớp socola ganache còn lại
– Muốn cắt miếng bánh, bánh phải đảm bảo đủ độ se. Tức là nếu cắt lúc kem và socola còn mềm thì chắc chắn bánh bị dính tùm lum, trông rất khó coi và sẽ phá đi hình dạng của bánh.
– Với món bánh Opera này, bạn hãy thử trang trí với một chút cốm chip, kem hay những loại trái cây tươi dâu tây, cherry,.. đặt lên trên khiến cho “cô nàng” thêm ngọt ngào và xinh xắn hơn nhé.
Bên trên là công thức làm bánh Opera cổ điển. Sau đây, mình sẽ đi vào công thức làm hương vị khác, để đa dạng hóa món ăn và phù hợp khẩu vị mọi người nhé.
II. Bánh Opera vị trà xanh:
Bánh Opera thật ra có nguồn gốc từ Ý nhưng nói đến trà xanh thì phải nhớ ngay đến “đất nước hoa anh đào”. Sự kết hợp giữa hai hương vị Á-Âu này chắc chắn sẽ tạo ra một “cô nàng” Opera “gây thương nhớ”.
Văn hóa ẩm thực các nước có điều kiện gặp gỡ và kết hợp tạo nên những món ăn không thể nào quên. Chiếc bánh Opera nay đã được “khoác” lên một chiếc áo xanh thơm ngọt, tươi mát – Vị Matcha. Bản giao hưởng ngọt ngào đến từ độ mềm, ngọt của Opera cổ điển song hành cùng hương vị trà xanh cực thơm, nó sẽ tan chảy trong vòm miệng và khiến những ai đam mê ẩm thực phải “say như điếu đổ”.
1/ Chuẩn bị nguyên liệu: Phần bánh: – 4 quả trứng (tách lòng đỏ và lòng trắng) – 80 g đường xay – 35 g dầu ăn – 30 g sữa tươi không đường – 65 g bột mì đa dụng – 15 g bột ngô – 10 g bột trà xanh – 1 xíu muối – ½ muỗng cream of tartar (dùng để làm làm trắng trứng dễ cứng hơn, giữ bột khí không vỡ)
Phần kem bơ trà xanh: – 200 g kem bơ lạt – 2 lòng trắng trứng – 1/8 muỗng cream of tartar – 1 xíu muối – 75 ml kem tươi – 7 g bột trà xanh – 10 – 12 g đường xay – Sữa trà xanh: – 50 ml sữa tươi không đường – 5 g bột trà xanh – 25 g bơ nhạt
Dụng cụ làm bánh: – 1 khay nướng bánh kích thước 20 x 30 cm – Âu lớn – Phới lồng – Chổi quét (để quét trà xanh)
2/ Cách thực hiện: Phần bánh: – Bước 1: Đánh tan lòng đỏ và đường bằng cách cho đường và lòng đỏ vào âu rồi dùng máy đánh trứng đánh lên. Sau đó cho dầu ăn và sữa tươi vào khuấy đều. Tiếp đến, ta cho bột mì, bột ngô và trà xanh vào rồi dùng phới lồng đánh âu hỗn hợp theo một chiều, đến khi tất cả hòa quyện vào nhau
– Bước 2: Đánh lòng trắng trứng, muối, cream of tartar và đường sao cho lòng trắng trứng bông cứng, bóng dẻo. Nghĩa là khi nhấc que lên thì được hình chóp, đầu chóp hơi cong nhẹ.
– Bước 3: Cho 1/3 phần trứng mới đánh bông vào âu hỗn hợp bột. Quấy đều.
Để làm hỗn hợp bột mịn, không có bọt khí, cả nhà chia phần còn lại của trứng thành 2 phần, quấy kĩ, đều tay. – Bước 4: Làm nóng lò nướng ở 170 độ C, Sau đó, lót giấy nến vào đáy khuôn. Cho 1/2 chỗ bột vào khay nướng và nhớ lắc cho bột trải đều.
Nướng khoảng 12-15 phút khi rìa bánh hơi vàng nâu, ấn nhẹ lên bề mặt bánh đàn hồi trở lại là được.
Cho 1/2 hỗn hợp còn lại vào khay và nướng như trên. (Mục đích chia ra như vậy để nướng bánh được đều và đẹp hơn)
Cách bóc bánh ra: dùng dao mỏng rạch nhẹ xung quanh thành khay, úp ngược khay bánh lại là có thể lấy bánh ra. Bóc bỏ hết phần giấy lót dưới đáy khuôn nhé.
Phần kem bơ trà xanh: – Bước 1: Cho bơ vào ngăn mát trước khi đánh chung với các nguyên liệu khác.
Dùng 1 nồi đun nước, khi nước sôi hạ nhỏ lửa và bắc âu lên trên (đáy âu không chạm nước), để lòng trắng, đường, muối vào âu.
Dùng phới lồng khuấy đều cho đến khi các nguyên liệu tan hết, hòa quyện vào nhau.
– Bước 2: Dùng máy đánh trứng, đánh bông phần hỗn hợp trên.
– Bước 3: Để âu nguội bớt, cho từng phần bơ lạnh vào đánh chung ở tốc độ vừa. Sau khi cho hết bơ tăng tốc độ lên đánh đến khi hỗn hợp thành kem đặc, mịn dẻo và có màu hơi trắng ngà (hoặc trắng tinh).
– Bước 4: Ray bột trà xanh vào âu, đánh cho hòa quyện với kem bơ.
Quấy đường và sữa tươi ở một bát khác, khi đường tan hết thì từ từ cho sữa vào âu, đánh đều. Sau khi trộn xong, bạn dùng phới lồng trộn tay khoảng 1-2 phút để kem trở nên mịn hơn. Cho kem bơ vào tủ lạnh hoặc để nơi thoáng mát.
Phần sữa trà xanh: – Đun ấm phần sữa, cho trà xanh, đường vào quấy tan.Bắt đầu ghép bánh: – Bạn có thể cắt bánh ra thành 2 phần để bánh có nhiều lớp hơn. Cứ một 1 lớp bánh, quét sữa trà xanh, 1 lớp kem bơ, 1 lớp bánh quét sữa trà xanh đến 1 lớp kem bơ…Ray bột trà xanh lên khắp mặt bánh, cắt khúc tùy thích.
Sau khi hoàn tất mọi công đoạn có vẻ hơi phức tạp bạn sẽ có được thành phẩm vô cùng mỹ mãn như thế này đây.
Yêu cầu thành phẩm: Bánh có mùi vị thơm ngon, lớp bánh mềm mịn, phần kem béo mà không ngấy sẽ làm bạn hài lòng.
III. Bánh Tarte
Món bánh này có lẽ hơi mới lạ với Việt Nam chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc của chúng một chút nha:
Vào những năm 1880, ở Pháp có hai chị em nhà Tatin làm chủ một khách sạn nhỏ ở vùng Lamotte Beuvron. Một lần Stéphanie Tatin làm bánh táo nhưng do cô bận quá nhiều việc nên đã để lẫn táo nấu với bơ và đường lâu hơn trong chảo. Vì quá vội, cô đã phủ luôn lớp vỏ bánh lên miệng chảo và… cho thẳng vào lò. Khi mang bánh ra mời khách hàng, Stéphanie lật ngược chảo và tạo ra chiếc bánh với hình dạng rất đặc biệt. Thật bất ngờ sau đó là thực khách vô cùng hài lòng với món bánh mới của Stéphanie, từ đó món bánh táo Tatin trở thành biểu tượng của khách sạn và dần nổi tiếng trên toàn nước Pháp.
1/ Chuẩn bị nguyên liệu (cho ổ bánh tarte có đường kính cỡ 1 gang tay khoảng 20cm)
Phần đế bánh: – Khuôn bánh tarte bằng nhôm, thuỷ tinh chịu nhiệt, sứ… – 100-120 g bột mì số 8 (bột mì đa dụng) – 35 g đường bột làm bánh – 80 g bơ lạt (+ chút xíu muối)/ còn sử dụng bơ mặn thì khỏi bỏ muối – 1 ít nước lạnh để trộn bột
Phần nhân bánh: – 3 trái táo đỏ/xanh/vàng gì cũng được – 1/2 muỗng canh đường (đường bột/ đường bình thường) – 1 muỗng canh mật ong – 1 muỗng cà phê nước cốt chanh – 20 g bơ – 1 ít bột quế (cho ít thôi vì mùi quế sẽ rất nồng)
Phần sốt láng trên mặt bánh: – Khoảng 100 ml nước táo nấu với 1 muỗng cà phê bột rau câu (có thể thay bằng 1 lá gelatine) + 1/2 muỗng canh mật ong
– Làm đế bánh: Trộn bột, bơ cắt nhỏ, đường bột, sau đó nhào cho đều và mịn.
– Thêm nước lạnh vào từ từ đến khi thấy bột mềm vừa ý thì ngưng, cho bột vào bao nilông để trong tủ lạnh ngăn mát khoảng 30 phút cho cứng.
– Làm nhân bánh: + Lấy 1,5 trái táo gọt vỏ, cắt nhỏ hạt lựu. Cho táo vào nồi với đường, bột quế, mật ong, bơ và khoảng 120 ml nước + Nấu sôi lên khoảng 5-10 phút, tắt bếp đậy nắp chờ một chút táo sẽ tự chín mềm.
+ Chắt nước táo được khoảng 100 ml để riêng. Phần thịt táo đã mềm có thể dầm nhuyễn hoặc xay nhuyễn
+ 1,5 trái táo còn lại cũng gọt vỏ, cắt lát để xếp lên mặt bánh
– Láng khuôn để chống dính bằng bơ
– Lấy bột ra cán mỏng phủ ép vào khuôn
– Cho phần táo vừa xay/dầm nhuyễn đã nguội vào đều trong khay bánh.
– Xếp đều các lát táo phủ lên lớp nhân này.
– Lúc này lấy phần nước táo + bột rau câu cho vào nồi nhỏ quậy tan đều với mật ong, nấu sôi khoảng 3 phút rồi tắt bếp, làm nhanh để tránh rau câu đông cứng lại khi nguội nhé.
– Dùng cọ phết nhanh nước sốt này lên phần táo đã xếp trên mặt bánh.
– Bật lò làm nóng trước khoảng 10 phút ở 200 độ C. Sau đó cho khuôn bánh vào lò nướng khoảng 30 – 40 phút tuỳ lò nhiệt độ 180 độ C. Đến khi thấy phần mặt bánh vàng ươm thì được.
– Bánh chín lấy ra để lên rack chờ nguội, quét thêm vài lần nước sốt táo (nếu thích, không thì thôi cũng được).
Yêu cầu thành phẩm:
Bánh táo ăn có vị chua nhẹ, ngọt thanh thơm mùi quế. Có thể ăn kèm với 1 scoop kem vani /tách trà là ngon tuyệt… Dùng làm món ăn sáng, xế, đều hợp…
IV: Bánh ngọt con sò:
Bánh ngọt son sò madelleines còn được mệnh danh là “nàng thơ trong tiệc trà Pháp”. Bánh thuộc thể loại bánh gato cơ bản (sponge cake), được đặc trưng bởi hình dáng vỏ sò vô cùng xinh xắn. Thưởng thức bánh, thực khách cảm nhận sự mền mịn, đặc biệt mùi bơ thơm ngọt càng khiến chiếc bánh thêm hấp dẫn.
1/ Chuẩn bị nguyên liệu: – 4 quả trứng gà – 150 gr đường – 3 muỗng nhỏ vỏ chanh vàng mài – 300 gr bột mì – 1 muỗng nhỏ muối – 10 gr bột nở – 100 ml sữa tươi – 180 gr bơ chảy – 25 gr mật ong – 1 nắp tinh dầu vanilla
2/ Cách thực hiện: – Đánh nổi trứng và đường khoảng 10 phút.
– Sữa và mật ong hòa chung rồi cho vô hỗn hợp trên trộn đều.
– Rây mịn bột mì và bột nổi vào. Cho vỏ chanh mài và muối vào.
– Cuối cùng cho mật ong và vanilla vào. Trộn đều tất cả rồi bọc màng nylon để nghỉ.
– Thoa bơ vào khuôn sò rồi đem nướng trong 180°C khoảng 12p.
– Bánh chín lấy ra để nguội rồi mới lấy khỏi khuôn.
– Bánh xốp ko cứng là đạt.
Cách làm khác của món này là bạn có thể sử dụng chocolate để nhúng bánh, tạo vị khác biệt nhé.
1/ Chuẩn bị nguyên liệu: – 100 gr bột mì thường – 3 gr baking powder – 100 gr bơ – 120 gr trứng – 90 gr đường bột – 1 trái cam – nạo vỏ – 100 gr dark chocolate (để nhúng bánh)
2/ Cách thực hiện:
– Rây mịn bột mì và bột nở – Cho bơ vào nồi, đun chảy. Để nguội bớt – Cho trứng và đường vào tô trộn. Bạn có thể dùng máy đánh trứng cầm tay hoặc phới lồng cầm tay, đánh trứng tới tan và hơi sủi bọt (không phải đánh bông) – Cho bột vào, trộn đều. Rót bơ chảy vào tô bột, trộn đều để hỗn hợp bột mịn mượt. Cho vỏ cam nạo, khuấy đều. Bạn sẽ thấy hỗn hợp bột khá lỏng.– Bọc kín tô bột. Để tủ lạnh ít nhất 3h hoặc qua đêm
– Lò bật nóng trước, nhiệt 220 độ C. Phết bơ chống dính cho khuôn. Cho bột vào túi bắt bông kem. Bóp bột vào khuôn madeleine gần tới mép khuôn.
– Nướng trong vòng 7-8′ (nếu khuôn to hơn thì nướng khoảng 10-12′ tuỳ khuôn).
– Bánh chín để nguội hoàn toàn trước khi nhúng chocolate.
– Chocolate băm nhỏ, đun cách thuỷ cho chảy hoàn toàn, nhúng 1 mặt bánh, để bánh trên rack cho chocolate khô lại là đc
– Bánh bảo quản trong hộp kín, để nhiệt độ phòng.
Bánh con sò và một số điều bạn nên biết: Câu chuyện về lai lịch xuất xứ của món bánh ngọt ngào này được cho là bắt nguồn từ thế kỷ thứ 18. Khi ấy, một cô hầu gái có tên là Madeleine Paulmier đã phục vụ Công tước xứ Lorraine món bánh “ruột” của mình và khiến cho ông ta vô cùng hài lòng.Chẳng những thế, ông còn mang chúng về cho con gái của mình, người sau đó trở thành vợ của vua Louis thứ 15 thưởng thức. Đến đây thì không có gì ngạc nhiên khi bánh con sò madeliene nổi tiếng đến vậy (được vua và hoàng hậu ưa chuộng cơ mà). Đó là câu chuyện của thời xa xưa, quay trở về thì hiện tại, madeleine không chỉ là thứ bánh ngọt trứ danh của nền ẩm thực Pháp tinh tế, phong phú. Giờ đây, nó đã trở nên quen thuộc và xuất hiện rộng rãi trong rất nhiều tiệm trà, café của các nước trên thế giới.
Vậy là trong phần này, chúng mình đã đem đến những món bánh trứ danh, gây ấn tượng với thực khách bởi vẻ ngoài xinh miễn chê cùng vị ngon tuyệt vời. Đó là bánh Tarte táo, bánh con sò và bánh Opera.
Mỗi loại đều có hình thức bên ngoài cùng cách chế biến khác nhau, giúp cho menu các loại bánh được đa dạng. Tất cả đều không quá khó khăn trong việc thực hiện nhưng đòi hỏi bạn phải kĩ tính.
Mong rằng những gì chúng tôi chia sẻ đều giúp ích được cho các bạn. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không xắn tay áo lên và lao nhanh vào bếp để tạo ra những món bánh vừa đẹp, vừa ngon dành tặng những người thân yêu? Cuối cùng, chúng ta đều hiểu rằng, việc làm bánh thực sự không khó.
Chỉ cần bạn có tình yêu, có đam mê và yêu thích công việc này. Cộng thêm một chút học hỏi, cẩn thận và chút thẩm mĩ là đã có thể thành công rồi. Bánh là món quà của tình yêu, rất dễ chiếm được thiện cảm của người khác. Những chiếc bánh ngọt ngào hy vọng làm các bạn vui vẻ và thêm gắn kết.
Một lần nữa, meohaycuocsong khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các bạn và chia sẻ nhiều những công thức của các món bánh mới lạ hơn nữa. Mong các bạn cũng luôn dành tình cảm và “share” rộng rãi nếu thấy bài viết thực sự hữu ích nhé!
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!